Người đơm hoa giấy Thanh Tiên: Tiếng vọng từ truyền thống
Trưng bày nghệ thuật “Người Đơm Hoa Giấy”, diễn ra từ ngày 28/09 đến 20/10/2024 tại không gian sáng tạo Toong 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh là một hành trình tìm về cội rễ cũng như mang đến cho người tham quan một cái nhìn sâu sắc và đầy cảm xúc về nghệ thuật làm hoa giấy Thanh Tiên – một di sản văn hóa của xứ Huế. Đây là cơ hội để truyền thống sống lại qua bàn tay sáng tạo của thế hệ trẻ, từ đó mở ra những cách tiếp cận mới mẻ để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Việt Nam.
Hoa giấy Thanh Tiên nở rộ tại Toong
Không chỉ là một không gian làm việc chung, Toong đã từng bước khẳng định mình như một bệ phóng cho các giá trị văn hóa Việt Nam. Trung bày “Người Đơm Hoa Giấy” là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn của Toong trong việc bảo trợ và tôn vinh nghệ thuật truyền thống.
Nhờ sự sáng tạo của Maypaperflower và nghệ nhân Trần Phú, những câu chuyện, hình ảnh, và giá trị của nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã được tái hiện một cách chân thực, phảng phất hồn thiêng Thanh Tiên nhưng vẫn mang màu sắc đương đại của người trẻ.
HƠI THỞ CỦA TRUYỀN THỐNG TRONG NHỊP SỐNG HIỆN ĐẠI
Trưng bày lần này không chỉ là sự kết nối giữa nghệ thuật và công chúng mà còn là cách để đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam vươn xa hơn trong thế giới hiện đại, vượt qua biên giới về không gian và thời gian.
Từ những bông hoa giấy đầu tiên e ấp "mọc" lên trên bức tường tổ ong inox – tác phẩm Reflection, đến những tác phẩm "cắm" hoa truyền thống; rồi được "treo" lên cao nhờ bàn tay tài hoa của nghệ nhân để mọi người chiêm ngưỡng, sau cùng là “bám” vào cái truyền thống để vươn lên để hòa hợp với thời đại mới.
Không chỉ về thị giác, buổi khai mạc còn đánh thức 4 giác quan còn lại của khách tham dự – xúc giác, thính giác và vị giác – thông qua chuỗi workshop tự tay đan hoa giấy và trình diễn làm bánh cung đình Huế. Câu chuyện về 400 năm kỹ nghệ làm hoa giấy được nghệ nhân Trần Phú gói ghém trong không gian pop-up, nơi chú tận tình hướng dẫn khách tham dự nắn hoa, ghép nhụy,.. để tạo ra bông hoa Thanh Tiên.
Bầu không khí tuổi thơ và mộc mạc của cố đô càng sinh động hơn khi Nghệ nhân Văn hóa Ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh mang đến Toong nào là mè xửng, bánh ngũ sắc, bánh ép khô và bánh đậu xanh trái cây, giúp buổi gặp mặt thêm “tròn đầy” và đậm đà hương vị xứ Huế.
CÂU CHUYỆN GÌN GIỮ LÀNG NGHỀ THANH TIÊN
Một phần không thể thiếu của trưng bày là buổi talkshow đầy cảm xúc, nơi những câu chuyện phía sau từng tác phẩm được kể lại, từ đó mở ra nhiều góc nhìn sâu sắc về sự giao thoa giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Buổi khai mạc sự kiện thật sự là nơi gặp gỡ của những người yêu thương văn hóa xứ Thần Kinh (cựu đô kỳ diệu). Tình cảm đó cô đọng lại thành những chia sẻ trong buổi tọa đàm, với sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề Thanh Tiên, Nghệ nhân Văn hóa Ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, Tiến sĩ Triết học Ngô Tiến Nhân, cùng những người yêu nghệ thuật truyền thống xứ Huế như đạo diễn Xuân Phượng từ Lotus Gallery, Kiến trúc sư Tôn Thất Liêm.
Trong buổi tọa đàm về bảo tồn làng nghề truyền thống, nghệ nhân Trần Phú đã tóm gọn câu chuyện 400 năm gìn giữ và phát triển nghề làm hoa giấy của người làng Thanh Tiên. Chú chia sẻ, để làm được một bông hoa đẹp, không chỉ cần sự khéo léo mà còn cần sự kiên nhẫn và một tình yêu sâu sắc với nghề. cực công chuẩn bị cả năm, nắng mưa dãi dầu chỉ để bán trong nửa tháng. Những tâm sự chân thật từ nghệ nhân gợi ra về nhu cầu tái thiết nghệ thuật truyền thống để có thể tồn tại trong thời đại mới.
TS. Ngô Tiến Nhân đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng hoa giấy Thanh Tiên cần phải bước sang một giai đoạn phát triển mới. Nếu hoa giấy của đạo diễn Xuân Phượng tại Lotus Gallery được giữ toàn vẹn nét cổ truyền với tư cách như một đối tượng thẩm mỹ, thì hoa giấy của Maypaperflower lại mang tinh thần và cốt cách của người bảo tồn.
Khoảnh khắc đáng chú ý nhất là khi Tiến sĩ đặt ra thách thức về bảo tồn. Để nghệ thuật truyền thống có thể tiếp tục tồn tại cần có sự sáng tạo và tiếp biến của không chỉ những người làng nghề, chính quyền, mà quan trọng hơn là thế hệ trẻ, những người mong muốn kế thừa và phát huy truyền thống. Đó là làm sao để chắt lọc, phải “đập phá” thể nào để thấy được tinh thần của truyền thống, rồi từ đó sáng tạo thêm giá trị sử dụng mới để nghệ thuật truyền thống tương hợp với đời sống đương đại.
Đạo diễn Xuân Phượng, chủ phòng tranh Lotus Gallery, cũng góp mặt trong buổi khai mạc. Bà đã đặt ra vấn đề cho những người trẻ và cho chính người nghệ nhân đang nỗ lực đưa văn hóa và sản phẩm làng nghề ra thế giới. Đó là phải cân bằng giữa tính thương mại và tính kỹ nghệ. Bà nói rằng giá trị thời gian của thương hiệu là rất quan trọng, nhưng để ra nước ngoài thì kỹ nghệ phải được nâng tầm theo chuẩn quốc tế. Phải chọn giấy nào để không phai trước nắng mưa; loại hồ nào không bong tróc mà vẫn thẩm mỹ; năng suất sản xuất phải đảm bảo được nhu cầu,..
Nhà sáng tạo từ Maypaperflower chia sẻ về cảm hứng đằng sau các tác phẩm và cách họ biến nghệ thuật truyền thống trở nên gần gũi hơn với giới trẻ. Bằng cách kết hợp các chất liệu hiện đại như kim loại, tre và màu sắc phá cách, các tác phẩm không chỉ lưu giữ giá trị truyền thống mà còn mang hơi thở của thời đại mới.
NGHỆ THUẬT KHÔNG NGỪNG LAN TỎA
Trưng bày“Người Đơm Hoa Giấy” không chỉ là nơi tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống mà còn là lời nhắn nhủ rằng: chỉ cần có tình yêu và sự sáng tạo, những giá trị xưa cũ vẫn có thể tìm được chỗ đứng trong thế giới hiện đại.
Dẫu có nhiều thách thức phía trước, nhưng con đường của Maypaperflower cũng mở ra nhiều cơ hội. Sự trân trọng chỉ là bước khởi đầu của công cuộc bảo tồn, nhưng lại là bước khởi đầu trân quý và cần thiết như chia sẻ của TS. Ngô Tiến Nhân. Sóng sau nối sóng trước, những lớp sóng trẻ như Maypaperflower đang góp phần đặt những dấu chân đầu tiên trong hành trình đưa văn hóa truyền thống, trước hết là đến với xã hội đương thời Việt Nam, sau là vươn ra quốc tế.
Chuỗi sự kiện về hoa giấy thủ công Thanh Tiên lần này là sự khẳng định tiếp tục của Toong cho cam kết ngay từ buổi đầu của Toong trong việc giới thiệu, lan tỏa các giá trị truyền thống và kết nối các thế hệ – những người chia sẻ chung tình yêu với văn hóa, di sản nước nhà.