Toong Phan Bội Châu
“Dị Nhân” 15 mét định hình không gian làm việc
Giữa giếng trời Toong Phan Bội Châu, hiện thân dị biệt vươn cao 15 mét, phá vỡ mọi quy chuẩn không gian làm việc truyền thống. Sự hiện diện của tác phẩm đã đặt ra một câu hỏi: điều gì xảy ra khi “Dị nhân” khổng lồ không còn đóng khung sau lớp kính bảo tàng hay trên màn ảnh rộng, mà hiện diện ngay giữa nhịp sống thường nhật?
Nghệ thuật không giới hạn
Sau các cuộc triển lãm quốc tế tại Malaysia và Nhật Bản, “Dị Nhân” trở lại Hà Nội, định vị mình là một phần của Toong Phan Bội Châu, hoà vào kiến trúc và nhịp sống nơi đây.
“Dị Nhân” nằm trong chuỗi sắp đặt “Từ dị đến hoa hồng”, được điêu khắc gia Đỗ Hà Hoài sắp đặt cùng các tác phẩm như Thằng ngứa, Dị nhân thời bê tông, Người đầu tàu để biểu đạt những suy tư mới về nghệ thuật. Tác phẩm gồm 50 khối tượng nhỏ, lấy cảm hứng từ những cơn dị ứng trong cơ thể, phản chiếu những phản ứng tâm sinh lý của con người trước xã hội và môi trường sống.
Khi dị biệt trở thành cảm hứng
“Từ một ổ bánh mì gây dị ứng, tôi bắt đầu suy nghĩ về cách con người phản ứng với thế giới,” Đỗ Hà Hoài chia sẻ.
Từ trải nghiệm đó, anh mở rộng suy tư đến những 'dị ứng' khác diễn ra trong tâm trí và cơ thể con người khi sống giữa đô thị và các áp lực xã hội.
Trong tạo hình điêu khắc, phần chân của “Dị Nhân” như chìm dưới đáy biển sâu, tay bám vào tầng trệt, đầu lơ lửng giữa tầng mây, tạo nên một hình thể không cố định trong một chiều không gian cụ thể. Theo thời gian, tác phẩm sẽ đổi màu như một sinh thể đang sống, phản ứng lại không khí, ánh sáng và độ ẩm đặc trưng của Hà Nội.
Trong không gian Toong, "Dị Nhân" trở thành ẩn dụ hoàn hảo: những người kiến tạo không ngần ngại chấp nhận cảm giác không thoải mái, để từ đó vượt ngưỡng, bùng nổ thành những ý tưởng chưa ai dám nghĩ đến. Họ không ngại va chạm, không ngại phá vỡ chuẩn mực - như cái cách Đỗ Hà Hoài biến phản ứng thành tác phẩm.
Sự kết hợp giữa nghệ thuật và kiến trúc
Trong giếng trời kết nối 5 tầng không gian, "Dị Nhân" tạo ra những lớp giao cắt thị giác khi người nhìn di chuyển từ tầng này sang tầng khác. Từ mỗi vị trí sẽ nhìn thấy một hình thái khác của cùng một tác phẩm.
"Dị Nhân" không sinh ra để được yêu thích ngay lập tức. Nó không đẹp theo nghĩa thông thường. Nhưng điều khác biệt nào dễ dàng được đón nhận? Hành trình nào đưa đến thành công mà không đi qua vùng không thoải mái?
Khi làm việc bên cạnh tác phẩm không tuân theo quy luật thông thường, ta bắt đầu nhìn lại chính mình: Đâu là những quy tắc vô tình làm giới hạn khả năng của bản thân? Đâu là những cơ hội đã bỏ lỡ vì đang nhìn bằng lăng kính quá quen thuộc?
“Tôi làm trong ngành công nghệ nên quen với những gì tối ưu, logic. ‘Dị Nhân’ thì ngược lại. Nó cảm tính và đầy gợi mở. Nhưng chính điều đó lại khiến tôi suy nghĩ khác đi, như khi viết lại một đoạn code mà không tuân theo template cũ.” Anh Tuấn, nhà sáng lập startup công nghệ.
Tại Toong, nghệ thuật không phải đồ trang trí, mà là cốt lõi. "Dị Nhân" không chỉ đơn thuần hiện diện, nó thách thức, nó gợi mở, nó đòi hỏi người xem phải dừng lại để suy ngẫm.
Dị biệt hay phi thường?
Tại Toong, chúng tôi tin rằng những tầm nhìn lớn không sinh ra từ vùng an toàn. "Dị Nhân" là minh chứng cho sự kiến tạo đích thực bắt đầu từ việc chấp nhận, thậm chí là ôm lấy cảm giác không thoải mái. Đó không phải là con đường của số đông, nhưng đó là con đường của những người dẫn đầu.
Toong không tạo ra không gian làm việc. Toong kiến tạo môi trường nơi những tư duy đột phá được nuôi dưỡng, nơi những người tiên phong dám đương đầu với "dị biệt" để tạo ra "phi thường".