"Bận rộn" có phải là danh hiệu để tự hào?
Câu chuyện không mới: Thức dậy với việc kiểm tra email, Zalo công việc, chạy deadline sát nút, ăn trưa trong lúc gõ bàn phím, và kết thúc ngày bằng việc lướt mạng không mục đích trong khi đầu vẫn nghĩ đến công việc hôm sau. Bạn đang bận. Nhưng… bạn có ổn không?
“Always on” – Một chứng rối loạn thời hiện đại
Theo báo cáo của Deloitte (2024), 62% người trẻ từ 18-35 tuổi thừa nhận họ “luôn trực tuyến” vì sợ bỏ lỡ thông tin công việc. Tình trạng này được gọi là “Always-on culture” - khi năng suất trở thành chuẩn mực, còn nghỉ ngơi bị coi là yếu đuối.
Một nghiên cứu trên Journal of Occupational Health Psychology chỉ ra: làm việc quá 55 giờ/tuần trong thời gian dài làm tăng 33% nguy cơ đột quỵ và 17% nguy cơ bệnh tim mạch. Nhưng chúng ta vẫn tự nhủ rằng “chắc mình chịu được”.
Và rồi, thế hệ sống với Wi-Fi 24/7 đang… mất kết nối với chính mình.
“Luôn online” không đồng nghĩa với luôn sẵn sàng, mà đôi khi là luôn kiệt sức.
Làm việc hiệu quả không nghĩa là làm việc liên tục
Thay vì trăn trở “Làm được bao nhiêu?”, ta cần hỏi: “Làm với trạng thái như thế nào?”.
Tiến sĩ Alex Pang (tác giả Rest: Why You Get More Done When You Work Less) đã phân tích: Những nhà khoa học và nghệ sĩ sáng tạo nhất thế giới thường chỉ làm việc sâu 4-5 giờ mỗi ngày. Phần còn lại, họ… nghỉ. Nhưng là nghỉ có chủ đích: đi dạo, viết nhật ký, chơi thể thao,...để cho tâm trí được "tái chế" thay vì "tiêu hao".
Nghỉ không phải là để “lười”, mà là nguyên liệu thô để phục hồi sự sáng tạo. ✨
Nghỉ ngơi không phải để trốn chạy, mà là để trở lại đúng lúc, đúng cách.
Cuộc sống có nhịp điệu riêng
Ở Toong, chúng tôi không tin vào công việc "đóng hộp" trong 8 tiếng. Chúng tôi tin vào các nhịp độ của từng người, để phát huy tối đa sự tỉnh táo, sáng tạo và bền bỉ.
Bạn có thể chọn làm việc theo phương pháp Pomodoro - 25 phút tập trung sâu, rồi nghỉ 5 phút để duỗi người, đi lấy một ly nước, hoặc thả lỏng qua một bản nhạc thư giãn.
Bạn có thể tạm đổi không gian làm việc - từ bàn cao sang sofa, từ góc riêng tư trong văn phòng đến chỗ gần cửa sổ ở không gian chung. Chỉ một thay đổi nhỏ cũng đủ mang đến một nhịp thở mới cho tâm trí.
Hoặc đôi khi, bạn sẽ dừng deadline lại một chút, chỉ vì một bức tranh mới treo hôm nay, một tách cà phê thơm lừng, hay một sự kiện pop-up bất ngờ ngoài hành lang. Những khoảnh khắc tưởng chừng ngẫu nhiên ấy, như một khe sáng len vào giữa lịch trình dày đặc, để bạn kịp nhìn lại mình giữa guồng quay công việc, để nhớ rằng ta vẫn còn đang tận hưởng từng khoảnh khắc.
Đôi khi chỉ là một góc nhỏ đủ chất, để mọi giác quan được “hạ cánh”.
Tạo “vùng phục hồi” – một kỹ năng sinh tồn thế hệ mới
Bên cạnh việc quản lý thời gian, hãy học quản lý năng lượng. Những vùng phục hồi nhỏ mỗi ngày sẽ cứu bạn khỏi sự kiệt quệ về sau.
Gợi ý từ The Energy Project:
- Thể chất: Uống đủ nước, đi bộ ngắn sau mỗi 2-3 tiếng làm việc.
- Cảm xúc: Viết ra điều khiến bạn biết ơn mỗi ngày.
- Tinh thần: Dành 30 phút/ngày không dùng thiết bị điện tử.
- Mục tiêu: Kết thúc mỗi tuần bằng một điều khiến bạn cảm thấy “đã làm được điều gì có ý nghĩa”.
Thay vì bùng cháy rực rỡ để rồi chóng tàn, hãy thắp sáng bền bỉ
Đừng cố cháy rực cho kịp mọi kỳ vọng, điều bạn cần là một ngọn lửa vừa đủ: đủ ấm, đủ lâu, để mình không tắt giữa đường.
Và bạn không cần hy sinh bản thân để chứng minh mình xứng đáng.
Bạn không cần phải là siêu nhân, bạn chỉ cần là một người đủ khỏe để theo đuổi điều quan trọng. Một người biết lúc nào nên tăng tốc, và lúc nào nên lùi lại, sạc pin. Bởi vì “bền bỉ” chưa bao giờ là làm hoài không nghỉ, mà là biết nghỉ đúng lúc để còn đi xa.
Ánh sáng không cần rực rỡ, chỉ cần đủ vững để dẫn lối giữa những chông chênh.
📌 Điều then chốt
Bận không sai. Nhưng nếu “bận” khiến bạn mất ngủ, mất niềm vui, mất cả chính mình - thì đó không còn là nỗ lực, mà là hy sinh.
Và bạn không cần hy sinh bản thân để chứng minh mình xứng đáng.
Hãy cho mình một khoảng lặng để hồi phục. Một điểm chạm đủ yên để lắng lại, đủ mở để mình tiếp tục bung nở và tiến xa. Một nhịp sống như Toong - đủ tinh tế để bạn tìm lại chính mình giữa mọi bộn bề.
Người thực hiện: Bùi Bích Trà My, Nguyễn Thạch Thảo